Một hình ảnh thân quen trên ban thờ trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam đó là mâm ngũ quả. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc tại sao cứ phải có chuối thắp hương và nải chuối trong mâm ngũ quả ngày tết tượng trưng cho điều gì chưa, hãy tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Mục Lục
Mâm ngũ quả ngày tết gồm những quả gì?
Mâm ngũ quả nhưng thường không quy định bắt buộc phải đúng 5 quả, mà chỉ cần số quả là số lẻ, ví dụ 5 – 7 – 9 đều được. Cũng như không phải bao gồm đúng loại quả này mà sẽ lựa chọn tùy ý gia chủ, tùy theo đặc trưng vùng miền như:
- Miền Bắc: lê, lựu, đào, mai, phật thủ, chuối, táo, bưởi, mãng cầu, trứng gà, cam, quýt
- Miền Nam: chuối, dưa hấu, sung, đu đủ, dứa, dừa, nho, hồng xiêm, thanh long
Nguồn gốc của mâm ngũ quả được đề cập đến trong kinh Phật Vu Lan Bồn, trong đó có nhắc đến truyền thuyết để cứu được mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ, ngài Mục Kiền Liên đã chuẩn bị một mâm ngũ quả gồm 5 sắc màu khác nhau dâng lên cúng Phật. Theo đạo Phật, 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, huệ. Từ đó về sau, người dân làm theo, mâm ngũ quả không phải chỉ để cúng Phật nữa mà còn cúng lễ tổ tiên, cha mẹ, dần trở thành truyền thống cho muôn đời sau. Và Tết là một dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa người Việt, nên dù nhà có làm đơn giản đến đâu, cũng không thể thiếu mâm ngũ quả trên ban thờ.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Theo phong thủy, mâm ngũ quả lại tượng trưng cho 5 mệnh: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Việc phối hợp hài hòa giữa hình dáng, màu sắc của các loại quả khác nhau, cũng như việc tương sinh – tương hợp giữa các mệnh. Như một lời cầu nguyện một năm bình yên, âm dương cân bằng, mọi sự hanh thông.
Riêng với người miền Nam, họ thường diễn giải ý nghĩa mâm ngũ quả xuôi theo văn phong sinh hoạt hàng ngày bằng cách gọi tên các loại quả. Ví dụ như mâm ngũ quả gồm: quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài sẽ là thay cho câu chúc “Cầu sung vừa đủ xài”, hoặc đổi xoài thành tiêu lại là “Cầu sung vừa đủ tiêu”… Cách thể hiện này cũng vô cùng thú vị, có nét tương đồng với tính cách ngay thẳng của người miền Nam.
Miền Bắc thì sâu xa hơn, 5 màu sắc tượng trưng cho mong muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (sức khỏe) – Ninh (sự bình yên). Đều gắn liền với các câu chúc ta gửi tặng nhau ngày Tết như: Vạn sự như ý, Phúc thọ vô cương, An khang thịnh vượng…
Mâm ngũ quả miền Nam với đủ Cầu – sung – vừa – đủ – xài
Nguồn gốc nải chuối trong phong tục thờ cúng của Việt Nam
Thực chất hình ảnh nải chuối xuất hiện trên ban thờ dường như đã thành một điều hiển nhiên, thế nên chẳng sử sách nào chép lại tại sao cứ phải thắp hương bằng chuối, hay nguồn gốc nải chuối trong phong tục thờ cúng Việt Nam. Đồn rằng, chuối là thứ hoa quả dễ kiếm, lại có quanh năm với đủ các giống chuối khác nhau: chuối tây, chuối ta, chuối ngự, chuối hột…, lúc xanh thì mang màu xanh ngọc đẹp mắt, lúc chín đổi dần sang màu vàng nổi bật. Bằng ấy lý do khiến chuối được chọn là vật thờ cúng. Hơn nữa, chuối thường là loại quả có thể để trên ban lâu nhất mà không sợ hỏng, nải chuối già có thể để cả tuần mới chín dần. Chỉ có một lưu ý nhỏ là nải chuối thắp hương nên là chuối xanh và có số quả là số lẻ, vì số lẻ đại diện cho năng lượng dương, mang đặt lên ban thờ sẽ tốt hơn cho gia chủ.
Nải chuối trong mâm ngũ quả ngày tết tượng trưng cho điều gì
Hình ảnh những quả chuối cong tròn, xếp tầng tầng lớp lớp tựa như bàn tay đang nâng đỡ, bao phủ, bảo vệ, đại diện cho các thế hệ tổ tiên luôn tạo ra các lá chắn vô hình, tránh cho con cháu đời sau khỏi những tai ương, những điều xui rủi. Tất cả quả chuối đều chụm lại tại cuống, là hình ảnh của tình đoàn kết, cũng là ước mong về một gia đình sum họp, đủ đầy các thành viên mỗi dịp tết đến xuân về. Màu chuối khi chín chuyển dần từ xanh sang vàng, cũng tựa như quy luật của tạo hóa, ai rồi cũng đến lúc phải già, phải đi sang thế giới bên kia, là lời nhắc nhở con cháu phải đối xử tốt với cha mẹ, ông bà khi người đang còn sống. Đừng để đến lúc mất rồi mới sắm sửa mâm cao cỗ đầy, tựu chung lại cũng có ích chi đâu.
Bao ý nghĩa nhân văn như vậy, tựu đủ lại nơi nải chuối nhỏ bé, khiêm nhường kia. Vậy mới nói văn hóa truyền thống của dân tộc ta hay lắm, nhiều điều cần tìm hiểu lắm. Mong rằng văn hóa ấy còn được lưu giữ mãi, để thế hệ trẻ vẫn có câu trả lời cho câu hỏi “nải chuối trong mâm ngũ quả ngày tết tượng trưng cho điều gì?”