Ngày nay, việc người dân từ các tỉnh tới sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn không còn là chuyện quá xa lạ trong xã hội. Tuy nhiên bất kì một công dân nào tới sinh sống, đặc biệt là ở trọ đều phải đăng kí tạm trú. Vậy thủ tục đăng kí tạm trú cho người ở trọ như thế nào, việc đăng kí ra sao thì bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Mục Lục
Tại sao phải làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ?
Theo quy định luật Việt Nam, việc đăng ký tạm trú tạm vắng là nghĩa vụ của mỗi công dân, đặc biệt là một trong những thủ tục quan trọng đối với chủ kinh doanh nhà trọ cũng như công dân đi thuê ở. Việc làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ là bắt buộc khi một cá nhân rời khỏi nơi thường trú để sinh sống, làm việc hoặc học tập tại một nơi khác trong lãnh thổ Việt Nam.
Đặc biệt tại các thành phố lớn ngày nay, lượng người dân đổ về lao động, học tập và sinh sống ngày càng tăng đồng nghĩa với việc quản lý nhân khẩu tại các địa phương trở nên phức tạp hơn. Do đó, thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ quan trọng hơn bao giờ hết nhằm hỗ trợ địa phương kiểm soát tốt, thực hiện kĩ lưỡng công tác quản lý, đảm bảo an ninh xã hội.
Áp dụng khoản 1 Điều 30 của Luật Cư trú 2006, công dân đăng ký tạm trú tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại khu vực đang cư trú như công an xã, phường, thị trấn và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký, cấp sổ tạm trú cho. Người thuê trọ có tối đa 30 ngày để đăng ký từ ngày chuyển đến. Sau khi được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký, thẻ tạm trú có giá trị xác định tại nơi tạm trú của người dân với thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng. (Thể Theo Luật Cư trú trong khoản 1 Điều 17 Thông tư 35-2014-TT-BCA và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP 18-04-2014). Ngoài ra, trong trường hợp hết thời hạn lưu trú, cá nhân hoặc hộ gia đình thuê trọ vẫn muốn tiếp tục tạm trú thì đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn.
Quyền lợi khi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ
Mỗi người khi đi thuê trọ cũng như chủ hộ kinh doanh cần luôn nắm rõ đầy đủ thủ tục để đăng ký tạm trú đúng cách, đúng thời hạn và quy định pháp luật. Khi thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ đầy đủ đồng nghĩa họ đang được hưởng những quyền lợi nhất định, được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân từ chính quyền địa phương, giảm những rủi ro không may xảy ra, cụ thể như:
- Con cái của hộ gia đình tạm trú có thể học tại các trường công lập, hưởng đầy đủ quyền lợi về học tập như những hộ cư trú khác.
- Người thuê trọ được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết tại địa phương, được hỗ trợ tìm việc làm, tư vấn các ngành nghề phù hợp và nhận tiền bảo trợ xã hội khi thất nghiệp hoặc chưa tìm được việc.
- Người dân đã đăng ký tạm trú được công an địa phương bảo vệ an toàn và hỗ trợ tốt nhất nếu phòng trọ xảy ra các sự cố đáng tiếc như hỏa hoạn hay trộm cắp, đảm bảo an ninh nơi đang tạm trú, hỗ trợ thủ tục mua nhà.
Những lưu ý sau khi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ
Về phía chủ trọ, cần thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ, nhằm tuân thủ đúng quy định pháp luật, hợp pháp vấn đề kinh doanh, góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương trong công việc quản lý nhân khẩu đang cư trú tại khu vực. Trên thực tế, chủ trọ thường sẽ là người chủ động liên hệ để đăng ký tạm trú cho khách. Lý do vì chủ trọ có xu hướng quen thuộc với cơ quan Công an địa phương hơn là người thuê. Tuy nhiên, xét theo đúng Luật Cư trú thì thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ là nghĩa vụ của công dân đi thuê ở, việc chủ động đăng ký tạm trú cho khách của người kinh doanh nhà trọ chỉ nhằm hỗ trợ khách thuê dễ dàng và thuận lợi hơn trong thời gian tạm trú chứ không nhất thiết phải là trách nhiệm của chủ nhà.
Trong quá trình ở, người đi thuê và chủ trọ cần có sự thống nhất, trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau; nhằm tránh các trường hợp không hay xảy ra như chủ trọ từ chối hoặc kéo dài thời gian làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ, quá thời hạn tạm trú nhưng không bên nào chủ động đăng ký gia hạn. Áp dụng theo khoản 1 và 2, Điều 8 tại Nghị định 168/2013/NĐ-CP, với những trường hợp như trên, cả hai bên đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với cá nhân hoặc hộ gia đình vi phạm quy định về thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng. Người cho thuê trọ bị phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng vì vi phạm quy định Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo tạm trú với cơ quan công an khi có người đến tạm trú. Vì vây, việc chủ động làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ là trách nhiệm của cả hai phía chủ trọ và người thuê, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, dẫn đến cả hai bên đều vi phạm hành chính.
Kết luận
Ngày nay, nhu cầu thuê trọ tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao, nhất là ở các khu vực gần trường học, khu công nghiệp lớn, vv… Việc thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ đầy đủ không những đảm bảo thực hiện nghĩa vụ công dân mà còn hỗ trợ người thuê hưởng các quyền lợi nhất định từ địa phương. Quan trọng hơn, điều này còn có ý nghĩa đối với Nhà nước, giúp chính quyền địa phương quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.